MANG GÌ SANG ĐỨC? HÀNH LÝ DU HỌC ĐỨC TỪ A ĐẾN Á

Giấy tờ cần chuẩn bị khi du học Đức - Vật bất ly thân trong mọi hoàn cảnh

 

Quên gì có thể quên, tuyệt đối khi chuẩn bị vali đi du học Đức không được quên giấy tờ tùy thân và một số giấy tờ quan trọng khác. Bạn nên mang hồ sơ bản gốc và ít nhất 3 bản đã được dịch sang tiếng Đức hoặc tiếng Anh đã được công chứng. Vì dịch vụ dịch thuật, công chứng tại Đức vừa “đắt xắt ra miếng” lại vừa khó, đặc biệt là khi bạn mới chân ướt, chân ráo đặt chân sang Đức. 

Giấy tờ sẽ chia thành hai loại. Một là hồ sơ chung, bạn có thể để trong ba lô, hành lý ký gửi, hành lý xách tay, mỗi nơi một bộ. Trong trường hợp bạn bị thất lạc một hành lý nào đấy thì bạn vẫn còn hồ sơ dự phòng ở những hành lý khác. Hai là giấy tờ tùy thân, đây là những giấy tờ mà bạn phải luôn mang bên người để có thể xuất trình một cách dễ dàng khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

 

Hồ sơ chung sẽ gồm những gì?   

  • Căn cước công dân
  • Giấy khai sinh (có thể bản gốc hoặc bản dịch công chứng)
  • Giấy tờ liên quan đến việc nhập học ở trường: Zulassung, chứng chỉ tiếng Đức, , bằng tốt nghiệp THPT,...
  • 20 ảnh hộ chiếu cỡ 3.5 x 4.5
  • Passport photo công chứng

Tips nhỏ: Bạn nên sắm túi đựng hồ sơ và cho mỗi bộ hồ sơ vào một túi. Bên ngoài túi, bạn có thể dán nhãn ghi rõ hồ sơ trong túi bao gồm những hồ sơ nào để khi tìm sẽ dễ dàng hơn.

 

Còn giấy tờ tùy thân thì sao?

  • Passport và visa. Nếu visa của bạn là visa rời thì luôn luôn phải kẹp ở trong passport để tránh quên mất.
  • Những giấy tờ gốc liên quan đến việc xin học tại Đức như giấy nhập học ở Đức, chứng minh tài chính (khả năng cao là nhân viên hải quan sẽ muốn kiểm tra giấy xác nhận này của bạn).

Những giấy tờ này bạn nên để trong một ví nhỏ để xuất trình dễ dàng khi được yêu cầu.


 

Tiền mặt

 

Nếu đã có tài khoản khóa tại Đức , bạn chỉ cần đem khoảng 500 - 2.000 Euro tiền mặt, phòng những trường hợp không sử dụng được tài khoản ngân hàng. Nếu bạn mang trên 5.000 USD tiền mặt ra khỏi Việt Nam dù là tiền xu, tiền giấy, séc du lịch,... thì đều phải khai báo hải quan. Trường hợp bạn quên hoặc cố tình không khai báo có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 1 triệu Euro.


 

Hành lý du học Đức: Quần áo và phụ kiện thân thiện với thời tiết

 

Trước khi bay sang Đức, bạn nên theo dõi thời tiết thành phố bạn đặt chân đến như thế nào để chuẩn bị quần áo cho phù hợp. Nếu nhập học vào kỳ mùa hè thì bạn có thể mặc áo thun, quần jeans nhưng nhớ mang theo áo khoác vì trên máy bay khá lạnh. Còn nhập học vào kỳ mùa đông thì áo khoác dày, quần tất lót lớp lông, găng tay, mũ len, khăn choàng, giày,... là những vật dụng không thể thiếu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng mình thì áo khoác mang từ Việt Nam không giữ ấm đủ cho bạn với thời tiết mùa đông tại Đức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Đức hoặc tìm hiểu các địa chỉ mua sắm uy tín tại thành phố bạn sống, chương trình giảm giá dành cho sinh viên để mua quần áo với giá hời mà không cần mang vác quá lỉnh kỉnh khi sang đây.

 

Đồ dùng học tập - Tưởng không quan trọng mà quan trọng không tưởng

 

Đồ dùng học tập gồm bút bi, bút highlight, bút chì, hộp ngòi chì (vì giá ngòi chì bên Đức khá là đắt), tẩy, kẹp giấy (thuận tiện để kẹp tài liệu, hồ sơ mà giảng viên phát cho bạn).

Ngoài ra, bạn cũng nên mang những thiết bị điện tử phục vụ cho việc học như laptop, máy tính bảng, điện thoại, sạc điện thoại, sạc dự phòng, tai nghe và một USB để phòng trường hợp bạn cần đi in tài liệu. Đặc biệt, đừng quên mang ổ cắm điện đa năng để cắm điện cho máy tính vì ở Đức người ta chỉ sử dụng phích cắm điện kiểu này.

 

DINGI mách bạn: Khi sang Đức, bạn có thể sử dụng sách, giáo trình tại thư viện trường hoặc mua tại các cửa hàng sách cũ vừa giúp tiết kiệm tiền mua sách, vừa được tiếp cận một lượng lớn tài liệu đa dạng.


 

Hành lý du học Đức - Đồ “măm măm” là không thể thiếu

 

Vì thay đổi thời tiết và không khí đột ngột nên để tránh bị cảm lạnh, bạn có thể mang theo trà gừng hoặc một vài gói trà Atiso uống để làm ấm cơ thể. Sau đó, nếu thích uống trà để giải nhiệt vào mùa hè hay làm ấm vào mùa đông thì bạn có thể mua ở các siêu thị tại Đức. Một số loại trà bạn có thể tham khảo như trà Bio-Kräutertee của Kaufland, trà hoa cúc,...

Ngoài ra, bạn có thể mang theo một vài đồ ăn dự trữ như mì tôm, các loại hạt sấy, phở khô, muối tiêu (tiêu bên Đức không thơm cho lắm), muối ớt,... để phòng những ngày đầu bạn chưa quen với đồ ăn của Đức. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không mang thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt bò khô, ruốc, lạp xưởng,... sữa, thịt thú rừng, các sản phẩm từ sữa và trứng (socola, bánh quy vẫn được phép mang), trứng cá muối từ cá tầm,... để tránh những rắc rối với hải quan, hoặc tệ hơn có thể bị từ chối nhập cảnh.

Nếu mình muốn đem trái cây thì sao?

Câu trả lời là bạn vẫn được phép mang trái cây và rau củ nhưng chỉ cho mục đích sử dụng cá nhân, số lượng không quá lớn. Tuy nhiên, với nấm hoang dã và nấm ăn (dưới 2kg vẫn được phép mang), khoai tây sẽ không được phép nhập cảnh vào Đức.

Nếu bạn nhập cảnh tại sân bay Frankfurt thì đây là một số lưu ý dành cho bạn về trái cây:

  • Các cây họ chanh, cây họ cà, nho, khoai tây và đất trồng cây hoàn toàn bị cấm nhập cảnh vào Đức.
  • Nếu muốn mang hoa (cắt cành), quả, hạt giống và rau củ thì bạn cần khai báo hải quan và trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Nếu không có giấy chứng nhận, hải quan có quyền thu hồi dù số lượng nhiều hay ít.

 

Đồ dùng cá nhân

 

Những đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội,... bạn có thể đóng gói chai nhỏ khoảng 60ml để mang sang Đức dùng tạm trong thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen đường sá. Sau vài tuần làm quen, bạn có thể đến siêu thị và tha hồ lựa chọn đồ dùng cá nhân cho mình. Sữa tắm và dầu gội ở Đức rất rẻ chỉ từ 50 cent - 3 Euro.

 

DINGI mách bạn: Bạn nên mang khoảng 2 - 3 chiếc khăn tắm vì khăn tắm bên đây khá đắt, khoảng 10 Euro/chiếc. Ngoài ra, đối với những bạn bị cận cũng nên thủ sẵn 1 chiếc kính dự phòng vì kính bên Đức rất đắt tầm 200 - 1.000 Euro.


 

Hành lý du học Đức: Những vật dụng bị cấm nhập cảnh

 

Để dễ dàng hơn trong việc kiểm tra những vật dụng nào không được mang sang Đức, DINGI gợi ý bạn tải app Zoll und Reise - app chính thức từ Bộ Tài chính Đức. Khi tải app này về, đầu tiên bạn sẽ bấm vào phần Erlaubt, sau đó chọn đất nước mà bạn khởi hành chuyến bay để kiểm tra xem mình được mang gì sang Đức. Tất cả các mặt hàng sẽ được chia theo bảng chữ cái từ A - Z hoặc theo loại như đồ uống có cồn, thuốc men, tiền mặt, đồ ăn,...

Ví dụ, thực phẩm chức năng sẽ bị cấm tuyệt đối vì bộ Y tế Đức liệt nó vào thành phần thuốc men. Nếu bạn cố ý mang sang Đức và bị phát hiện thì sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, những loại thuốc phục vụ cho nhu cầu cá nhân trong chuyến đi như thuốc đau đầu, tiêu hóa,... (nên đi kèm với toa của bác sĩ) thì bạn vẫn có thể xếp vào hành lý. DINGI lưu ý cho bạn nè!

  • Hành lý xách tay của bạn không được chứa những vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, vật nhọn có thể gây sát thương, các loại chất dễ gây cháy nổ,... 
  • Không nên mang số lượng lớn một món đồ gì đó mới vì hải quan có thể nghi ngờ bạn mua sang Đức để bán và trốn thuế.
  • Ngoài ra, bạn cũng không được mang văn hóa phẩm đồi trụy, hàng lậu vi phạm bản quyền, hàng nhái,...

 

Lời kết cho kinh nghiệm chuẩn bị hành lý du học Đức

 

Xa nhà một thời gian dài, ắt hẳn các bạn phải rất lo lắng, sợ bản thân chuẩn bị không đủ khi sang bên Đức sẽ không xoay sở được. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của DINGI thì hành lý du học Đức của bạn không cần phải chuẩn bị quá nhiều, chỉ đem vừa đủ dùng trong thời gian đầu là được vì siêu thị ở Đức rất tiện lợi và đầy đủ nên bạn không cần lo thiếu thứ gì.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến du học Đức, học tiếng Đức thì đừng ngần ngại liên hệ ngay với DINGI chúng mình để được hỗ trợ tốt nhất nha.


 


Đăng ký nhận tư vấn